nhưng mặt trăng vẫn tỏa sáng!

Một TVB đã từng rất “kịch”

Và giờ lại thiếu “kịch”!

Nhân đọc fanwar của Thâm cung nội chiến và Chân Hoàn truyện.

Thật sự, nếu tính tổng các yếu tố thì TCNC không so được. Nói về đầu tư cho trang phục, ngoại cảnh (những yếu tố ĐẸP) thì không cách nào so được với những phim TQ thực sự được đầu tư.

Thứ hai, kịch bản “kịch” nhiều hơn “phim”. Ấn tượng đấy nhưng thiếu tính đời thường.

Cuối cùng, lý do dẫn tới bài này- TCNC không có một nhân vật ác siêu ấn tượng.

kim-chiCó lẽ sự thành công của TCNC lại bắt đầu cho một kỷ nguyên xuống dốc của TVB. Họ đang thua chính mình và lặp lại sai lầm của ATV.

ATV và TVB, ai hơn ai là quá rõ rồi. Ngày trước mình vẫn thường thắc mắc tại sao. Bỏ qua đường hướng kinh doanh, rõ ràng ATV không thiếu kịch bản hay, diễn viên cũng chẳng thua ai (nhiều DV ATV đã sang TVB và thành công), vậy mà ATV vẫn thiếu gì đó, rõ ràng khi nhắc tới phim truyền hình HK kinh điển, người ta vẫn nhớ phim TVB nhiều hơn.

Lấy vài ví dụ- vài phim mình thích (và nhớ rõ để phân tích) trong số những phim kinh điển.

ATV: Mộc Quế Anh, Bẫy tình, Tuyết hoa thần kiếm.

TVB: Đại thời đại, Bông hồng lửa, Nghĩa bất dung tình.

Đa số các phim ATV gây ấn tượng bằng kiểu nhân vật hiền lành bị đời vùi dập biến tính thành ác. Tuy nhiên, ác ở đây cũng chỉ đến mức nửa chính nửa tà. Xây dựng mô tuýp con người bị đời chửi rủa nhưng vẫn có yêu thương, có khát vọng quay đầu (đã bị đời dập cho tắt ngóm).

3Cuối cùng thì vẫn hướng thiện được dù cái kiểu hướng thiện cũng dăm bảy đường. May nhất chắc là Gia Lục Hạo Nam (MQA). Hẳn là do fan ảnh quá đông nên khi làm phần 2 ảnh được hồi sinh từ cái xác ở phần 1. Khổ nỗi vẫn bị dập thê thảm, cả phần 2 toàn phải mặc áo rách khố nông. Thẩm Tư Thần (BT) thì mất tình yêu nhưng vẫn còn được cha mẹ bên cạnh. Dù sao thì anh Charles yêu Tư Thần nhiều lắm, mình nghĩ sau dăm năm cũng quay về thôi. Khổ nhất là Nhiếp Tiểu Phụng, bị con mình giương cao ngọn cờ chính nghĩa lật đổ, bị người mình yêu ép phải tự sát. Hồng nhan như thế, cuối cùng chỉ đổi lại một cái ôm cùng tiếng gọi tên của La Huyền.

Thấy quen không? Đây cũng là dạng ác mà TVB theo đuổi hơn 10 năm gần đây. Mốc thời gian hẳn là từ khoảng 2004 khi Thâm cung nội chiến với dạng vai nửa chính nửa tà quá thành công. Từ đây, bắt đầu sai lầm.

Vứt bỏ đi dạng nhân vật đã đưa phim TVB trở thành kinh điển của kinh điển trong danh sách phim truyền hình Hongkong thì chẳng những top nhân vật phản diện kinh điển của TVB suốt từ sau Thử thách nghiệt ngã hoàn toàn không có ai mà phim TVB cũng đi xuống theo.

Dĩ nhiên, không thể nói phim TVB sau 2004 không hay như trước. Trước giai đoạn khủng hoảng mấy năm gần đây, phim gia đình- phim cảnh sát của TVB vẫn thành công. Đáng tiếc, chưa đủ. Khán giả có nhớ có thương anh Laughing, má Hà, Bào nhỏ, Tứ phu nhân, Sài Cửu… cỡ nào thì cũng xếp vào dạng như Chu Tố Nga thôi. Ấn tượng nhưng không khắc sâu.

Khắc sâu phải là thể loại ác từ đầu đến cuối, ác hết chỗ chê, giết từ cha mẹ anh chị em tới người yêu, bạn thân cũng giết luôn. Đã thế giết xong ác xong nó vẫn cứ nhơn nhơn sống tới cuối phim hoặc có khi sống tới cuối đời. Quan trọng nhất là chẳng-trả-giá-bao-nhiêu trong khi người hiền tới cuối phim vẫn rất rất thê thảm. Thể loại nhân vật đó, mất tiêu rồi!

Kiều Lịch (BHL) hại người giết người, mặt thì đẹp miệng thì cười, đem bán Hải Triều sang tận Thái Lan. Cuối cùng hình như chết trong lúc chạy trốn?? Chết xong thì yên phần rồi nhưng đáng thương cho Kiều Lập với Hải Triều bị hại tới mức kết phim cũng chẳng thể trở về với nhau.

Nghĩa bất dung tình thì Đinh Hữu Khang trong lúc vật lộn với anh trai thì té thang máy chết, chẳng trả giá mấy. Còn Đinh Hữu Kiện cũng không vui vẻ được gì, bị hại cho tan nát đời luôn rồi, má chết, vợ bỏ đi, kết phim nằm trong nhà thờ mơ về miền xa lắm.

Hai cái trên còn đỡ. Đại thời đại thì khỏi nói đi. Một bộ phim tràn ngập những cảnh kích thích người xem. Đỉnh cao của cái ác, ác-không-tưởng. Đinh Giải là cực phẩm ác, chưa nhân vật ác nào từ Tây sang Tàu có thể bì được. Diệt Tuyệt thấy phải quỳ xuống lạy, Thành Khôn gặp phải bái làm thầy. Ác ra sao thì mình từng viết trong bài về Đại thời đại rồi.

lp1011114830vh9

Ở đây bàn muốn thêm về Đinh Hiếu Giải. Đôi lúc xem lại fanvid, OST, mình vẫn không hiểu nổi tại sao anh có thể ác trở nên ác độc như thế. Dù rằng từ nhỏ đã côn đồ, ba với bạn ba cãi nhau, nó cầm ghế phang người ta. Thế nhưng, khi lớn lên cũng là đại ca giang hồ đàng hoàng chính trực. Không thể hiểu, hoàn-toàn-không-thể-hiểu một người đàn ông như thế có thể ra lệnh ném cô gái mình hết mực yêu thương từ sân thượng xuống. Mà không chỉ mình nàng, anh ném thêm anh chị nàng để bầu bạn cho vui. Một nhân vật dù lúc đầu rất thích thì sau này vẫn thương không nổi nữa.

Có thể nói Đinh Giải là hàng siêu cấp vô địch bởi bản thân ác còn lây qua cho đám con. Có câu “Cây đắng sinh trái ngọt”, cây Đinh Giải này toàn sinh trái đắng.

Chửi là chửi thế, ghét là ghét thế nhưng dạng nhân vật kiểu này không ai quên được. Vừa là để diễn viên khẳng định năng lực, vừa là bàn đạp cho vị thế của họ. Thử lấy 3 nhân vật ác nhất của 3 phim ATV trong ví dụ đem so với 3 nhân vật ác nhất của 3 phim TVB, ai ấn tượng hơn, câu trả lời quá rõ ràng.

Untitled2

Nếu không xem Đinh Hữu Khang giết người yêu, giết mẹ nuôi, giết vợ (và thêm vài người nữa không nhớ nổi) thì sẽ chẳng ai nhớ mãi Kiều Lập hiền lành luôn dịu dàng che chở cho Hải Triều. Dù cho Ôn Triệu Luân thuở ấy đẹp trai thu hút gấp chục lần nam thần bây giờ đi nữa.

Giai đoạn sau này, TVB có hai nhân vật ác Sa Phú Lai (Phú quý môn) và Cao Triết Hành (Trung gian nhân). Tuy được bảo chứng bởi hai diễn viên có trong top nhân vật phản diện của TVB nhưng cả hai này đều “chưa đủ”.

Sa Phú Lai ác kinh khủng, r*** cũng r*** rồi, giết cũng giết rồi. Đáng lý cứ thế tới luôn. Nào ngờ nhà đài lại muốn cho anh ấy kết thúc làm một kẻ mất trí nhớ hạnh phúc, thế là anh ấy giết người yêu thì được thằng khác cứu sống, anh ấy đặt bom giết cả nhà người ta thì bị em trai tới khuyên can quay đầu. Cuối cùng, anh ấy sống vô cùng vui vẻ với cái đầu chả nhớ gì cùng thằng em trai và em dâu kiêm bồ cũ từng bị anh hại thê thảm.

Trung Gian Nhân có mở đầu khá giống ATV khi nhân vật lương thiện bị chà đạp thành ác độc. Tuy nhiên, sau này xem thì ảnh ác đến mức không thương được miếng nào luôn. Lẽ ra có thể chen chân vào hạng 13 của top kinh điển rồi nếu không có chuyện anh ấy yêu nữ chính hơn cả bản thân mình. Hy sinh cho người yêu, anh gián tiếp trao cho nàng cơ hội đâm mình và nàng đâm thật. Một dao chí mạng khiến anh phải đẩy xe lăn vào tù ngồi, vừa thương vừa thấy tức vì dại gái. May còn vớt được cảnh cuối khi anh quay lại cười với cai ngục một nụ cười rợn tóc gáy.

Rốt cuộc, vì nương tay cho nhân vật, TVB tuột mất cơ hội tạo ra những vai diễn kinh điển.

“Kịch” là nhấn mạnh, làm quá, phóng đại, khoa trương, là để mọi cảm xúc đập thẳng vào mặt. Hai mươi năm xem phim Hongkong, có thể chắc chắn một câu là TVB nói riêng và phim truyền hình Hongkong nói chung không bao giờ có thể thoát được yếu tố “kịch”. TVB đã từng thắng lớn ở điểm này khi tận dụng yếu tố “kịch” để đẩy phim lên “kịch” level max. Không thể bỏ thì biến nó thành nét riêng. TVB đã rất thành công, tiếc thay hiện giờ họ lại chạy theo trào lưu mà tự bóp chết mình.

3 responses

  1. Ẩn danh

    Hay

    Tháng Tư 16, 2016 lúc 03:35

  2. Ẩn danh

    Muốn xem phim Bông hồng lửa của Ôn Bích Hà mà không có web nào chiếu hết, buồn lắm😭

    Tháng Mười Một 7, 2017 lúc 16:08

  3. Pingback: Một TVB Không Bao Giờ Tìm Thấy Nữa! | Nơi mặt trời không bao giờ mọc

Bình luận về bài viết này